Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa tự dạng
bịn rịn 𥾽練
đgt. “thương nhớ, bứt đi không đặng” [Paulus của 1895: 57]. La ỷ dập dìu, hàng chợ họp, cửa nhà bịn rịn, tổ ong tàng. (Thuật hứng 55.6). Công danh bịn rịn già lú, tạo hoá đong lừa trẻ chơi. (Tự thán 104.5), nguyên văn chữ bịn rịn ghi 𱹮練, thanh phù: đại luyện (代練); TVG, VVK phiên dày dạn, BVN phiên dây trói; ĐDA, paul Schneider cho là lầm từ chữ 𥾽練 phiên là bịn rịn; nhóm MQL phản đối cách phiên của ĐDA mà phiên là day rịn với nghĩa day dứt, bịn rịn. Tuy nhiên, cách đọc của ĐDA có thể chấp nhận được, bởi bịn còn từng được ghi bằng tự dạng 𦁂 rất dễ lầm thành tự dạng 𱹮. Về mặt nghĩa, các phân xuất của các cách phiên đều không thoát khỏi nghĩa của “bịn rịn”, nên thống nhất để đảm bảo tính hệ thống của ngôn ngữ.
day day 移移
◎ Phiên khác: dày dày (TVG,1956), dây dây (ĐDA 1976), “dày dày: ngời ngời” [PL 2012: 324, 329]. Xét, “dày dày” không thấy từ điển nào ghi nhận với nghĩa “ngời ngời”, chứng tỏ nghĩa này được dịch giả tự gán cho âm, bởi “dày” hoặc “dầy” nghĩa là “nhiều lớp”. Với âm “dầy dầy”, chỉ có nghĩa là “tiếng người đông chào rào” [Paulus của 1895: 218]. Mặt khác, âm “dày” thường được ghi bằng chữ Nôm “苔”. Chữ “移” có các âm phi Hán Việt là “dời” và “day”. “day: dời, trở qua, xây hướng. Day động: dời động, dây động”. Xét tự dạng, đây là một từ láy toàn phần, một kiểu láy phổ biến của giai đoạn thế kỷ XV, như “phơi phơi”, “tấp tấp”, “nồm nồm”, “pháy pháy”.
tt. HVVT <từ cổ> lay lay, khẽ đưa qua đưa lại. Môi son bén phấn day day, đêm nguyệt đưa xuân một nguyệt hay. (Mạt lị hoa 242.1), chữ day day hô ứng với chữ đưa ở dưới‖ Chiếm được thiều quang chín mươi, day day hoa nở tốt hoà tươi. (Dương 247.2).
dạng 樣
◎ Nôm: 羕
dt. <từ cổ> mặt chữ, như trong tự dạng 字樣. Chữ học ngày xưa quên hết dạng, chẳng quên có một chữ “cương thường”. (Tự thán 82.7).
dt. <từ cổ> loại, kiểu. Dợ đứt khôn cầm bà ngựa dữ, quan cao nào đến dạng người ngây. (Bảo kính 137.4).
dộng 凍 / 棟
◎ (đống), 棟 (đống). Mối quan hệ đ- ~ d-. “dộng chuông: trở đầu chày mà dộng cái chuông” [Paulus của 1895: 244]. dộng xát hoá thành gióng (Nôm: 󱢼), ”Gióng: khua động làm cho nghe tiếng. Gióng trống. Gióng trống ba. Gióng chuông. Gióng chiêng. Gióng lệnh” [Paulus của 1895: 381-382]. Thế kỷ XVII, dộng có xu hướng chuyển thành tính từ, như: trí khôn tâu dộng thánh hoàng (thiền, 7), tâu dộng còn được ghi trong từ điển của Taberd 1838 (tr.114). Nhưng ở thế kỷ XIV- xv, dộng vẫn là một động từ, như: thơ dâng ca tụng dộng đan đình (HĐQA 12b), các chữ Nôm được dùng để ghi là 口用, 洞, 董. Nay, với cứ liệu trong QATT, có thể bổ sung hai tự dạng 凍 và 棟 cho mục từ dộng cho tự điển chữ Nôm. Hiện nay tiếng Việt còn sử dụng một số biến thể ngữ âm như: gióng, đóng (Phb. đóng với các nghĩa chốt, khép, lắp, lắp ghép, đồn trú). Phiên khác: đụng (TVG), đóng (ĐDA, MQL), dóng (BVN), động (VVK), đúng: tới nơi, chạm tới, theo Paulus của 1895, Génibrel 1898 (Schneider 1987).
đgt. <từ cổ> (dùng chày) đánh vào nhạc khí (chuông, trống,…). Cầm đuốc chơi đêm, này khách nói, tiếng chuông chưa dộng ắt còn xuân. (Vãn xuân 195.8). Rảng rảng người rằng chuông ấy thạch, dộng thì cũng có tiếng coong coong. (Thuật hứng 61.8).
đgt. <từ cổ> dọi, vang, đập vào. Quyển “thi thư” những màng quen mặt, tiếng thị phi chăng dộng đến tai. (Tự thán 84.6).
ngây 𬏝 / 疑
AHV : si. Về Từ Nguyên có hai khả năng. (1). “ngây” là một từ gốc Hán, nhưng bị đọc nhầm theo thanh phù “nghi”. (2) “ngây” là gốc Việt, nhưng ngẫu nhiên trùng hình với chữ Hán “si” 癡, với tự dạng như Paulus của 1895 ghi. Nay tạm theo thuyết sau.
đgt. <từ cổ> ngốc, dại, si dại, “cuồng trí, khùng,. Ngây ngây: cuồng tâm, lảng trí, mất trí” [Paulus của 1895 t2: 82]. Quan cao nào đến dạng người ngây. (Bảo kính 137.4), Ss Trình Minh Đạo trong gia huấn có câu: 官不在愚 quan bất tại ngu [TVG, 1956: 122]‖ (173.1)‖ Tử tái đường nghèo lòng mựa ngây. (Nhạn trận 249.8).
nén 𱴸
◎ (sic),các văn bản nôm thường bị nhầm chữ “碾” (AHV: niễn) với chữ Nôm “nặng” 𥘀, dẫn đến một số từ điển đã sưu tập những tự dạng này [NQH 2006: 741]. Xét, “niễn 碾: con lăn, ống trục nghiền như cái con lăn để tán thuốc vậy, dùng bánh tròn hay cột tròn lăn cho nhỏ đất cũng gọi là niễn.” [ĐT Kiệt 2010]. Như vậy, niễn sẽ cho các đồng nguyên tự là nghiến (chèn lên, nghiến răng), nghiền (-bột, -cám) và nèn (dùng lực đè lên cho chặt), nén (đè xuống ghìm xuống). Phiên khác: rán: cố gắng (BVN). Nay theo TVG, ĐDA, Schneider, VVK, MQL, PL.
đgt. ghìm lại, kìm lại, “đè nén: suspicari” [Taberd 1838: 330]. Nén lấy hung hăng bề huyết khí, tai nàn chẳng phải lại thung dung. (Tự giới 127.7). Nén niềm vọng mựa còn xốc xốc (Trần Nhân Tông - Cư Trần Lạc Đạo Phú).
quê 圭
◎ Nôm: 圭 AHV: khuê, âm phiên thiết “quê” (涓畦切) [Tập Vận, vận hội], nghĩa “vùng đất”. Đây là chữ hội ý {thổ + thổ}, xuất phát từ tục phân phong thời xưa, chữ 封 nguyên nghĩa là “mảnh đất của vua chư hầu, gồm hai chữ thổ (圭) và bộ thốn” (封,爵諸侯之土也。从之从土从寸) [Thuyết Văn giải tự; weiger 1915: 210], mà thốn chỉ là dạng khải hoá của bộ thủ (cái tay, trỏ sự sở hữu), sau 封 mới cho nghĩa là ranh giới lãnh thổ. Mặt khác, bản thân chữ “phong” còn có nghĩa là “vua chư hầu cầm ngọc khuê (biểu tượng của vùng đất mình cai quản) vào chầu thiên tử”. Chữ 圭 (hoặc 珪) từ đó mới chuyên dùng để trỏ loại ngọc này, còn nghĩa gốc “đất đai” được chuyển sang dùng tự dạng mới là “畦” [An Chi 2006: 311-312]. Âm HTC của 圭 là: kʷe (Baxter), kʷee (Phan Ngộ Vân). Chữ 貫 (quán) vốn nghĩa là “chuỗi tiền xâu” sau được dùng giả tá để ghi “vùng đất cha ông đã sống” (nguyên quán), mà hình thái ngữ âm quãng thời Tần về sau là *kwel hoặc *kwen, tiếng Việt còn bảo lưu âm “quèn”, như thành quèn (cổ hiền) là thực ấp của Đỗ Cảnh Thạc. Ss đối ứng: *kuel [NT Cẩn 1997: 311]. Chung âm -l cho phép truy nguyên đến thời Proto Việt-Chứt [NT Cẩn 1997: 208- 210; An Chi 2006 t4: 314]. Ss đối ứng kwel, kwe (11 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 259]. Như vậy, “quê” là âm THV cổ xưa nhất (có khả năng trước đời Tần), “quèn” là âm THV thời Tần - Hán - Nam Bắc Triều. Còn “quán” là AHV từ đời Đường.
dt. quê quán. Phần du lịu điệu thương quê cũ, tùng cúc bù trì nhớ việc hằng. (Ngôn chí 16.5)‖ (Mạn thuật 33.1, 35.1)‖ (Thuật hứng 48.1, 50.2, 51.1, 59.1)‖ (Tự thán 71.7, 73.2, 77.5, 107.2, 109.2)‖ (Tự thuật 117.2)‖ (Bảo kính 135.4, 155.1, 158.2).
sàng 淙
◎ Nôm: 淙 AHV: tông, sàng. Xét tự dạng kỵ huý đời Nguyễn [NĐ Thọ 1997: 142].
dt. thác nước [Hán Ngữ Đại Tự Điển 1995: 1611]. “sàng vốn có nghĩa là dáng nước chảy (thuỷ lưu mạo) có hiểu như vậy mới tạo được sự nối kết với câu trên [Nguyễn Nam 1984: 48]. Thuyết khác cho rằng sàng là đồ để lọc rây hạt. lòng tựa sàng là cái lòng vô tâm của người theo tư tưởng lão trang, ví như cái sàng, để cho mọi sự mọi vật lọt qua hết, cũng như lòng hư không trống rỗng mọi vật đều không có ý nghĩa gì. [ĐDA 1976: 777]. Nhưng cách ví von này chưa thấy điển tương ứng trong kinh sách đạo gia. Hoặc có thể nghĩ theo hướng: chữ “sàng” là một chữ giả tá đồng âm với “sàng 牀” hoặc viết nhầm từ chính chữ 牀. Nếu thuyết này có thể chấp nhận được thì “lòng tựa sàng” nghĩa là “lòng cũng đã như cái ban thờ”, có phần hô ứng với ý “cảnh ở tựa chiền”. Quan thanh bằng nước nhà bằng khánh, cảnh ở tựa chiền, lòng tựa sàng. (Tự thuật 117.6).
sầm 󱪌 / 󱽐
◎ (cự 巨+ lẫm 凜 viết lược bộ thủ thành 禀). Phb. tự dạng tương tự, nhưng khác về thanh phù trong mục bấm. Kiểu tái lập: *krâm > sầm > thầm. [TT Dương 2012a].
tt. thầm. Sầm xem mai, hay tuyết đến, say thưởng nguyệt, lệ thu qua. (Bảo kính 168.3)‖Bóng sưa ánh nước động người vay, sầm đưa hương một nguyệt hay. (Mai thi 226.2), chữ sầm dịch chữ ám trong câu 暗香浮動月黄昏 (ám hương phù động nguyệt hoàng hôn) của Lâm Bô‖ Sầm xem mai, hay tuyết đến, say thưởng nguyệt, lệ thu qua. (Bảo kính 168.3). sầm (𡗋) gióng mây tóc đà mai trắng < 暗催新髪白 (Tuệ Tĩnh- thiền tông).
sống 生
◎ Nôm: 𤯨 / 𤯩 / 𫪹 {cổ 古 + lộng 弄}, âm HTC: *srjeng [Baxter 1992: 786], *sriŋ [Schuessler 1987: 536] hoặc *srêŋ [2007: 459- 460]. Thế kỷ XII, Phật Thuyết ghi ngữ tố này bằng tự dạng nôm 古弄 tại vị trí bằng áng nạ còn *krống cho được sống lâu (tr.44a5). So sánh với các đối ứng không (mĩ sơn, ngọc lặc, như xuân, Hạ Sữu, thải thịnh), klông ( Úy Lô), ksông (Thạch Bi) trong tiếng Mường, các đối ứng tlung trong tiếng Sách, xeng trong tiếng thái, sraungthraung trong tiếng Chăm, Gaston tái lập là *krong [1967: 42, 147, 150-151]. Kiểu tái lập: *kroŋ⁵ [TT Dương 2012c]. Ss mamộng (Katu) [NH Hoành 1998: 299], slổng, nhằng (Tày) [NV Ma: 415]. Như vậy, sống là từ gốc Hán du nhập vào vốn từ vựng của Việt, Mường, thái, chăm, sách, tày, nùng. Hiện chỉ thấy mamộng của Katu có khả năng là của Nam Á, và nhằng là gốc tày. Riêng nhằng còn bảo lưu trong từ sống nhăn (Việt), sau chơi chữ đồng âm thành sống nhăn răng. sống là âm HHV [NN San 2003b: 180].
đgt. trong sinh sống. Chàu mấy kiếp, tham lam bấy, sống bao lâu, đáo để màng. (Thuật hứng 55.4)‖ (Tự thán 98.8)‖ (Bảo kính 175.4).
thao 縧 / 縚 / 絛
◎ Nôm: 絩 Phiên khác: thêu (ĐDA, Schneider, VVK, PL), nhiễu (TVG, BVN, MQL). Xét chữ Nôm là chữ tự tạo 絩, mà 兆 có AHV là “triệu” không có phiên án phương âm nào khả dĩ, vì vậy “兆” là cách viết tắt của thanh phù 洮 có AHV là “thao”. thêu là động từ, thao là danh từ (dây thao, nón quai thao, đánh thao), điều là danh từ (chiếu cạp điều). Chỉ có “thao” (danh từ) mới chuẩn đối với “muối” cũng như “dưa”, “gấm”. Nay cải chính. Về Từ Nguyên, “thao” là từ gốc Hán với ba tự dạng đã nêu. Sách Ngọc Thiên ghi: “Thao: dây gấm” (纓飾), sách Quảng Vận ghi: “Bện tơ thừng” (編絲繩), sách Chu Lễ có lời chú: “thao đọc như chữ 絛”, tết dải mũ, đều lấy tơ để trang sức” (條,讀爲絛。其樊及纓,皆以絛絲飾之). Chuỗi đồng nguyên: thao - điều - thêu.
dt. dây dệt từ tơ lụa có hoa văn đẹp. Muối miễn dưa dầu đủ bữa, thao cùng gấm mặc chưng đời. (Tự thán 104.4).
tài 裁
◎ Nguyên bản ghi chữ 才, có chữ viết tay chú bên cạnh là “裁”. Xét ngữ nghĩa, nên chọn tự dạng này.
đgt. vun bồi. Khí hồng quân hãy sá tài qua, chớ phụ xuân này chớ phụ hoa. (Đào hoa thi 229.1). Khí đất trời hãy cứ vun bồi thêm nữa, chớ có phụ mùa xuân này, chớ có phụ hoa đào.
tịnh 凈
◎ Phiên khác: tĩnh (TVG, ĐDA), tạnh: trời trong sáng (Schneider, MQL). Xét, “tạnh” là từ gốc Hán “tình” (晴). Hà Nội có địa danh “quán tình” hay còn gọi là “quán tạnh”; âm “tĩnh” luôn viết là “靖” hoặc “靜”. Nguyên bản thống nhất chỉ viết tự dạng “凈” hoặc “淨”.
tt. yên lặng và trong trẻo. (Ngôn chí 2.5)‖ Thu im cửa trúc mây phủ, xuân tịnh đường hoa gấm phong. (Thuật hứng 56.6)‖ Cây tịnh chim về rợp bóng xuân. (Bảo kính 165.6)‖ (Liên hoa 243.3).